Nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội, bằng cách phân tích dữ liệu từ 6 nghiên cứu trước đó. Tác giả chính Emily Garbinsky, phó giáo sư về truyền thông tiếp thị và quản lý tại Đại học Cornell, Mỹ, cho biết những cặp vợ chồng sẵn sàng quy tiền về một mối có nhiều tương tác tích cực hơn, giao tiếp với nhau tốt hơn.
Chỉ riêng lựa chọn từ ngữ của họ đã biểu thị mức độ hài lòng của cả hai, vì dùng nhiều các từ "chúng tôi", "của chúng tôi", thay vì "tôi" hay "của tôi", "của anh ấy"... Các thuật ngữ liên quan đến sở hữu chung cũng thường xuyên xuất hiện, chẳng hạn như "đồng ý", "kết nối", "bạn bè", "lắng nghe", "yên ổn"...
"Chúng tôi mong đợi nguồn tài chính chung sẽ tăng mức độ tin cậy của một người vào bạn đời, cũng như điều chỉnh lợi ích và mục tiêu tài chính của hai vợ chồng", Garbinsky viết. Tất cả những điều này "gắn liền với một mối quan hệ khăng khít cao".
Vợ chồng chung tài khoản, nhất là những đôi có thu nhập thấp, sẽ hạnh phúc hơn so với việc tiền ai nấy giữ. Ảnh: Nypost
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu khảo sát từ các nhóm ở Mỹ, Anh và Nhật Bản để khám phá xem sự khác biệt về văn hóa đóng vai trò gì trong cách vợ chồng chọn quỹ chung, quỹ riêng. Từ đó nhận thấy các quốc gia phương Tây có xu hướng tiền ai người ấy dùng. "Chúng tôi đoán sự khác biệt này là do Mỹ, Anh theo chủ nghĩa cá nhân, trong khi Nhật theo chủ nghĩa tập thể", Garbinsky cho hay.
Kết quả của nghiên cứu này có thể giúp chuyên gia hướng dẫn các cặp vợ chồng chung sống hạnh phúc hơn. "Đầu tiên là giúp họ tổ chức tài chính để tối đa hóa chất lượng mối quan hệ và cuối cùng là cải thiện hạnh phúc", Garbinsky nói.
Nghiên cứu này còn tìm ra việc chung tài khoản có tác động đặc biệt mạnh mẽ đến những cặp vợ chồng thu nhập thấp hoặc những người cảm thấy túng quẫn về tài chính.
Bảo Nhiên (Theo Nypost)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×