Đường Trường An, Bắc Kinh vắng vẻ trước khi được nới hạn chế Covid-19. Ảnh: Anh Tuấn
Đường Trường An, Bắc Kinh tấp nập hơn sau khi nới quy định phòng dịch. Ảnh: Anh Tuấn
Việc Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng chống dịch Covid-19 đang là chủ đề bàn tán nóng nhất trên các mạng xã hội ở nước này. Trong gần ba năm qua, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt và truy vết lây nhiễm, với mục tiêu đưa ca nhiễm xuống bằng 0.
Hôm 7/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra thông báo gồm nhiều chỉ dẫn mới về các công tác như cách ly ca nhiễm, nới hạn chế về xét nghiệm và đi lại. “Việc thay đổi chính sách là một bước tiến lớn. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn muộn nhất vào giữa năm 2023”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho hay.
Đầu tiên là hủy bỏ việc sử dụng mã QR sức khỏe. Ngay khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng mã y tế trên điện thoại di động để theo dõi tình trạng sức khỏe của công dân. Màu sắc của những mã này, đỏ, vàng và xanh sẽ quyết định liệu người sử dụng có thể rời nhà, sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng và vào những nơi công cộng hay không, hoặc liệu họ có cần cách ly không.
Người dân Trung Quốc tuân thủ các quy định phòng dịch khi đi siêu thị mua sắm. Ảnh: THX
Theo chỉ dẫn mới công bố, người dân Trung Quốc có thể vào hầu hết các địa điểm mà không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mã y tế của họ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Đó là khi vào viện dưỡng lão, cơ sở y tế và trường học.
Trên thực tế, việc xét nghiệm xác định ca nhiễm đã giảm nhiều so với trước. “Hồi tháng 3-4, ngày nào chúng tôi cũng phải xuống tầng 1 xét nghiệm. Không xuống không được, mà lúc đó chỉ có F1 thôi và phong toả cả khu. Đợt này họ đến tận nhà xét nghiệm, 10 ngày xét nghiệm 2 lần và chỉ phong tỏa từng tòa”, anh Tuấn Anh chia sẻ về việc tòa nhà anh bị phong tỏa gần đây do có ca nhiễm.
Cũng theo quy định mới, người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ được phép cách ly tại nhà, thay vì được đưa đi cách ly tập trung, trừ khi họ có lựa chọn khác. Bệnh nhân nặng mới cần tới bệnh viện để điều trị. Những người tiếp xúc gần với ca nhiễm có thể cách ly tại nhà.
Nhân viên nhà hàng ở Bắc Kinh lau chùi vật dụng để mở cửa đón khách ngày 6/12. Ảnh: GT
“Những người mắc Covid-19 cần được điều trị khoa học và phù hợp với mức độ bệnh tật. Người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể tự cách ly tại nhà, nếu điều kiện cho phép. Những người từng tiếp xúc gần với ca nhiễm cần tuân thủ việc cách ly tại nhà trong 5 ngày”, theo thông tư về Cơ chế chung phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành.
Các hướng dẫn mới thúc giục cơ quan chức năng "đảm bảo sự hoạt động bình thường của xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản". Các nơi không bị xếp vào khu vực có rủi ro cao thì không nên hạn chế người dân đi lại hay đóng cửa kinh doanh. Việc phong tỏa chỉ áp dụng ở những khu vực có nguy cơ cao và sau đó, nên dỡ bỏ ngay nếu không có ca mắc mới trong 5 ngày liên tiếp.
“Chúng ta cần nghiêm cấm việc tự ý mở rộng ranh giới những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời chúng ta nên khoanh vùng khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh một cách khoa học và có mục tiêu. Chẳng hạn, việc cách ly sẽ được thực hiện theo từng tòa nhà, từng tầng hay theo từng hộ gia đình, thay vì theo các khu dân cư hoặc thị trấn như trước đây”, thông tư từ Quốc vụ viện Trung Quốc viết.
Người dân Trung Quốc đi tiêm chủng hôm 7/12. Ảnh: China Daily
Theo các hướng dẫn mới, việc đi lại trong nội địa Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Những người đi từ tỉnh này sang tỉnh khác không còn cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hay mã sức khỏe khi đến nơi.
Trước đây, việc đi lại trong Trung Quốc bị hạn chế do các tỉnh đóng cửa biên giới của mình, tàu hỏa và xe buýt liên tỉnh bị đình chỉ hoạt động. Đối với nhiều người Trung Quốc rời quê nhà để tìm việc ở các thành phố và tỉnh khác, điều đó có nghĩa là họ phải xa gia đình trong một thời gian dài hoặc bị mắc kẹt ở nơi rất xa nhà mà không có thu nhập trong thời gian phong tỏa.
"Đã ba năm rồi, rất nhiều người chưa được về quê ăn Tết. Hy vọng năm nay sẽ là cái Tết đoàn viên", một người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc chia sẻ. “Đã tới lúc cuộc sống của chúng tôi quay trở lại bình thường, và đưa Trung Quốc quay trở lại với thế giới”, một người khác viết.
Một bến xe buýt ở Bắc Kinh còn vắng người sử dụng. Ảnh: Anh Tuấn
Các phương tiện cá nhân đi lại trên đường nhiều hơn trước. Ảnh: Anh Tuấn
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người có tâm lý e ngại nguy cơ ca nhiễm sẽ tăng lên khi những người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. "Tết sắp đến rồi, người đi lại sẽ đông lên. Tôi cho rằng vẫn nên giữ nguyên quy định trình mã y tế và xét nghiệm khi đi lại giữa các địa phương", một người bình luận.
Trên thực tế, theo lời anh Tuấn Anh, mọi người ra đường những ngày này vẫn còn dè chừng nhau do sợ bị nhiễm chéo Covid-19.
Theo số liệu trên trang Worldometers chuyên theo dõi số lượng ca Covid-19 trên toàn cầu, tính từ đầu dịch tới 16h35 ngày 9/12, Trung Quốc có 357.652 người nhiễm, trong đó có 5.235 ca tử vong.