Khi xã hội ngày một phát triển cả về chất và lượng song nguồn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư giáo dục có hạn, xã hội hóa giáo dục là một xu hướng tất yếu, là thành tố quan trọng đảm bảo sự thành công của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Mặc dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, và sự tham gia của khu vực tư nhân đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, nhưngthực tế chỉ ra vẫn đang có những điểm bất cập đòi hỏi phải cân nhắc để có những chính sách phù hợp.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý - Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, bảo đảm số lượng các trường học vẫn luôn được lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm bởi nó gắn liền với sự phát triển của dân cư.
Song tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, kéo theo đó là dân số gia tăng mạnh mẽ khiến hệ thống trường học công lập đã và đang không đáp ứng được nhu cầu của người dân, cũng như không theo kịp tốc độ phát triển về dân cư tại đô thị. Để xảy ra tình trạng trên, vị đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý - Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Thứ nhất, ở các địa phương dù đã có quy hoạch tổng thể nhưng vướng mắc nhiều vấn đề phát sinh nên không thể phát triển theo đúng định hướng ban đầu.Thứ hai, các cơ quan quản lý rơi vào tình huống tài chính đầy đủ, chính sách hoàn thiện nhưng đất lại thuộc sở hữu của nhiều đối tượng, từ đó dẫn đến vấn đề đền bù, giải toả để lấy đất xây trường trở thành bài toán khó.
Dù chủ trương xây trường học, đảm bảo đời sống dân sinh được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhưng việc tổ chức thực hiện lại đang “khó đủ đường”.
Đặc biệt ở những khu đô thị lớn, việc đền bù đất cho người dân với giá tiệm cận giá thị trường là điều vô cùng khó khăn bởi không có hành lang pháp lý, dù muốn hài hoà giữa người dân và Nhà nước nhưng cũng không thể do quy định của pháp luật.
“Các quy định giấy tờ quá chặt chẽ, nhiêu khê để thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền cho phép giá tiệm cận thị trường. Ví dụ như khu vực đó thị trường 60 triệu đồng/m2 mà đền bù chỉ trên 10-20 triệu/m2 thì rất khó để người dân đồng thuận giao đất”, bà Thuý phân tích.
Thứ ba, dù cách đây 15-20 năm vấn đề xã hội hoá giáo dục đã được đặt nền móng, nhưng việc xã hội hoá giáo dục chỉ đang vận động ở cấp mầm non, đối với các cấp tiểu học trở lên lại chưa quá “mặn mà”.
Trong khi đó, xã hội hoá giáo dục cấp mầm non chỉ đang đáp ứng được nhu cầu của những khu dân cư cao cấp. Còn đối với những vùng ven, vùng khó khăn thì xã hội hoá giáo dục lại gây khó tiếp cận cho nhóm lao động có thu nhập thấp, không ổn định.
“Từ đó dẫn đến một cảnh đau lòng là bố mẹ phải gửi con về quê cho ông bà nuôi, chấp nhận xa con từ 1-2 tuổi cho đến khi bé đủ tuổi vào tiểu học vì tình hình tài chính khó khăn”, bà Thuý chia sẻ.
Theo đó, ĐBQH Trần Thị Diệu Thuý khẳng định đối với trường học do Nhà nước đầu tư còn đang khó khăn như vậy, các doanh nghiệp khi muốn tham gia vào môi trường giáo dục cũng chịu những khó khăn tương tự, và thậm chí còn khó hơn.
Doanh nghiệp phải “vượt khó” xây trường
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Ecopark cũng chia sẻ với mục tiêu xây dựng những đô thị kiểu mẫu, Ecopark luôn chú trọng các tiện ích đi kèm cho cư dân và giáo dục chính là một trong những tiện ích lớn, quan trọng nhất để xây dựng một khu đô thị đáng sống theo đúng nghĩa.
“Giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ khi lựa chọn nơi an cư cho gia đình. Chính vì vậy tại khu đô thị Ecopark, hệ thống giáo dục được đặc biệt chú trọng. Chủ đầu tư cũng có những chính sác đặt biệt để hỗ trợ các đối tác giáo dục, trường học phát triển, rất nhiều trường học chuẩn quốc tế được xây dựng với nhiều cấp học tại đây từ trường mầm non cho đến bậc đại học”, đại diện công ty bộc bạch.
Dân số gia tăng mạnh mẽ khiến hệ thống trường học công lập đang không đáp ứng được nhu cầu.
Dù vậy, tại thời điểm quyết định đầu tư vào giáo dục, công ty cũng gặp nhiều khó khăn rất lớn, nhưng với trách nhiệm của mình, công ty vẫn quyết định “dấn thân” vào đầu tư và xây dựng trường học.Cần cơ chế thông thoáng
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho biết, ở Hà Nội tỉ lệ các cháu được vào cấp 3 ở trường công lập chưa đạt được 50%, cho thấy nhu cầu thực tế của người dân với việc đầu tư vào trường học chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc này không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà ngay cả tại các tỉnh thành trên cả nước.
Theo đó, bà Ngọc cho rằng Nhà nước cần tích cực quan tâm, đầu tư ây dựng trường học. Đối với các dự án đầu tư công, Nhà nước phải có sự chung tay vào cuộc hỗ trợ giúp giải phóng mặt bằng, cơ chế thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư để các nhà đầu tư sớm tiếp cận được nguồn đất “sạch” để thực hiện đầu tư nhanh, sớm nhất giúp góp phần giải quyết vấn đề thiếu trường học hiện nay.
Hồng Nhung - Thu Huyền