Qua kiểm tra và soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện ở vị trí ống tai của người bệnh có hình ảnh một “con bọ” sống trong đó, khiến bác sĩ lẫn bệnh nhân đều bất ngờ.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành soi gắp ra một con côn trùng sống trong tai cho một bệnh nhân.
Được biết, bệnh nhân thấy đau tai, ù tai, nghe kém nên vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thăm khám. Qua kiểm tra và soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện ở vị trí ống tai của người bệnh có hình ảnh một “con bọ” sống trong đó, khiến bác sĩ lẫn bệnh nhân đều bất ngờ.
Hình ảnh côn trùng sống trong tai bệnh nhân.
Bệnh nhân sau đó được bác sĩ chỉ định nội soi gắp dị vật. Sau khi được gắp bỏ “con bọ” và vệ sinh tai, tình trạng đau buốt tai của bệnh nhân giảm dần. Con vật gắp ra là một “con bọ” có chiều dài khoảng 3cm, rộng 1cm.
BSCKI Lục Thành Huy – Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), người trực tiếp gắp “con bọ” ra cho biết, côn trùng chui vào tai nếu không được gắp bỏ có thể bò sâu vào lỗ tai, gây thủng màng nhĩ hoặc làm nhiễm trùng, viêm tai.
Cách tốt nhất hãy đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ kiểm tra, xử lý. Tuyệt đối tránh lấy dị vật bằng các dụng cụ cá nhân không đảm bảo vệ sinh và có thể gây tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến khả năng nghe hoặc khiến dị vật vào sâu hơn, ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Đồng thời, để phòng ngừa côn trùng chui vào tai cần:
- Sống sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thoáng mát để hạn chế côn trùng ẩn náu.
- Ngủ giường, trước khi lên giường cần làm sạch sẽ lại giường, hạn chế ngủ trên đất hay những nơi ẩm thấp.
- Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, khi trẻ khỏe mạnh bình thường, không sốt, không chảy mũi mà xuất hiện triệu chứng đau, ngứa, chảy dịch ở tai, phụ huynh nên nghĩ đến khả năng có côn trùng ký sinh và đưa đến cơ sở y tế thăm khám ngay để được xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nam Anh