Những người từ chối đàn ông

Hàn QuốcTư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bạo hành của bố khiến Youngmi quyết định không hẹn hò, kết hôn, quan hệ tình dục hay sinh con.

Hàn QuốcTư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bạo hành của bố khiến Youngmi quyết định không hẹn hò, kết hôn, quan hệ tình dục hay sinh con.

Nữ y tá 25 tuổi sinh ra trong gia đình nghèo ở tỉnh Daegu. Nhiều năm trước, mẹ của Youngmi đã bỏ trốn để thoát khỏi sự bạo hành của chồng, bỏ lại hai cô con gái sống cùng bố và bà nội.

Khi Youngmi 5 tuổi, chị gái 8 tuổi của cô bắt đầu rụng tóc vì căng thẳng. Và khi ở tuổi trưởng thành, cô gái trẻ bắt đầu chán nản bởi không chắc chắn về tương lai, bất ổn tài chính.

Sống trong xã hội mà tư tưởng gia trưởng phổ biến, nơi phụ nữ phải nghe theo đàn ông Youngmi cảm thấy bản thân như nạn nhân. Chưa kể, áp lực phải có ngoại hình đẹp để được đàn ông yêu thích luôn khiến cô mệt mỏi.

Lúc đang theo học ngành điều dưỡng với khoản trợ cấp ít ỏi, Youngmi vẫn phải mua quần áo mới theo mùa, bắt buộc phải trang điểm như một thực hành tôn giáo. "Tôi không thể ra ngoài mà không trang điểm. Tôi cảm thấy xấu hổ về khuôn mặt mình. Tôi bị áp lực phải sở hữu ngoại hình đẹp, hấp dẫn", cô nói.

Mãi đến năm 2018, khi lướt mạng xã hội, cô vô tình xem được các cuộc biểu tình đang diễn ra trên đường phố Seoul. Ở nước này, các vụ sát hại phụ nữ, trả thù khiêu dâm hay bạo lực hẹn hò diễn ra phổ biến. Tội phạm tình dục chủ yếu do nam giới thực hiện, nhưng đa phần chỉ bị phạt tiền và tù treo, nếu bị truy tố.

Nhưng điều này không áp dụng nếu người vi phạm là một phụ nữ. Theo đó, một phụ nữ 25 tuổi vô tình chụp bức ảnh nam người mẫu khỏa thân tại trường nghệ thuật và đăng nó lên mạng, nhanh chóng bị kết án 10 tháng tù và nhận tư vấn về bạo lực tình dục theo lệnh của tòa án. Các cuộc biểu tình này là cách phản ứng đối với các nguyên tắc mang tính đạo đức giả trong xã hội. Thậm chí, nhiều phụ nữ sẵn sàng cạo đầu trước máy quay để phản đối khiến nữ y tá xúc động.

Khi thấy nhiều tài khoản mạng xã hội ủng hộ nữ quyền, Youngmi hiểu đây là hành động công khai nhằm bác bỏ những kỳ vọng thẩm mỹ áp đặt lên phụ nữ Hàn Quốc. "Bạn biết đó, đàn ông không cần làm thế. Họ không bị thôi thúc phải mua quần áo mỗi mùa hay trang điểm", cô nói.

Sau đó, cô gái 25 tuổi cũng cạo đầu, ngừng trang điểm và tham gia phong trào được gọi là "escape the corset" (thoát khỏi áo nịt ngực) của các phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc. Phong trào này trở nên phổ biến vào năm 2018, khi phụ nữ nước này phản đối các tiêu chuẩn sắc đẹp bằng cách cắt tóc ngắn và để mặt mộc.

Những người từ chối đàn ông

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc quyết định từ chối sinh con, kết hôn, hẹn hò hay tình dục để bảo vệ bản thân. Ảnh minh họa: Thecut

Một khảo sát năm 2019 cho thấy 24% phụ nữ ở tuổi 20 bắt đầu cắt giảm chi tiêu các sản phẩm cho làm đẹp. Nhiều người cho biết không cần phải nỗ lực làm đẹp. Như với Youngmi, cô không còn hứng thú gặp gỡ bạn bè thời trung học, khi các chủ đề chủ quay quanh làm đẹp, quần áo và đàn ông.

Nhận thức mới cũng với sự phát triển của mạng xã hội cuối cùng đã đưa cô gái 25 tuổi đến với "4B". Đây là một phong trào nhỏ nhưng đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng nữ giới Hàn Quốc.

"4B" là viết tắt của 4 từ trong tiếng Hàn bắt đầu bằng "bi": "bihon" (từ chối hôn nhân); "bichulsan" (từ chối sinh con); "biyeonae" (không hẹn hò); và "bisekseu" (từ chối tình dục khác giới).

Qua các cuộc trò chuyện trên ứng dụng trò chuyện KakaoTalk, Youngmi đã kết nối được với các nhà hoạt động nữ quyền ở Daegu và sớm có cuộc gặp mặt trực tiếp. "Thật dễ dàng nhận ra nhau khi để tóc ngắn", cô nói.

Khi gặp gỡ cây viết Anna Sussman của The Cut tháng 11/2022 ở Seoul, Youngmi để mặt mộc và ăn mặc thoải mái với chiếc quần jean rộng thùng thình cùng áo khoác lông cừu màu trắng. Cô cũng nuôi tóc đủ dài để buộc đuôi ngựa, bởi sợ cảm giác mệt mỏi khi liên tục bị người trong bệnh viện thắc mắc do cắt ngắn.

Cô gái 25 tuổi cho rằng, 4B hay "thực hành bihon" là cách duy nhất để nữ giới Hàn Quốc có thể sống độc lập. Nhất là khi tư tưởng gia trưởng và coi thường phụ nữ đã in sâu trong tiềm thức.

Cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy, tỷ lệ bạo lực do bạn tình gây ra là hơn 41%, cao hơn đáng kể so với trung bình toàn cầu là 30%.

Những người ủng hộ 4B hy vọng có thể thay đổi xã hội, thông qua các cuộc biểu tình và hoạt động trực tuyến, bằng cách tạo cho một cuộc sống mới, nhưng không cố gắng thay đổi đàn ông.

"Thực hành 'bihon' có nghĩa bạn đang loại bỏ rủi ro từ hôn nhân và hẹn hò khác giới", Yeowon, nữ nhân viên văn phòng 26 tuổi, nói. Những rủi ro mà Yeowon ám chỉ khá phổ biến với phụ nữ Hàn Quốc, những người phải đánh đổi sự nghiệp để nuôi con và làm việc, giống như mối đe dọa bạo lực thể xác.

Đã có lúc Minji, 27 tuổi, một phụ nữ ủng hộ 4B sống ở Daegu, cũng muốn kết hôn, bởi đó là xu hướng. Nhưng biết về thực trạng bạo lực hôn nhân, cô gái trẻ nói không muốn lấy chồng.

Minji thừa nhận bản thân là người dị tính, từng thích một vài chàng trai. Tất cả người yêu trước đây luôn muốn cô đối xử với họ như một vị vua. Vì vậy, cô không có vấn đề gì khi tẩy chay những người đàn ông cùng thế hệ với mình.

Nhưng trên thực tế, ngay cả nhiều phụ nữ trẻ không phải là thành viên của 4B cũng ủng hộ phong trào này. Sooyeon, nữ giáo viên ngoài 30 tuổi, nói rằng luôn có cảm giác "không bao giờ muốn tìm một người chồng Hàn Quốc". Bởi nhiều đàn ông cùng thế hệ của Sooyeon vẫn giữ tư tưởng tìm vợ truyền thống.

Cuộc khảo sát gần đây của công ty mai mối cho thấy phụ nữ ngại kết hôn vì phải phân chia việc nhà, còn nam giới lại do dự vì nữ quyền.

Sau nhiều năm khủng hoảng tài chính, người trẻ hiện phải đối mặt với chi phí nhà ở ngày càng tăng, sự cạnh tranh khốc liệt để giành việc làm. Chưa kể, tư tưởng về kết hôn và sinh con đã thay đổi ở cả hai giới.

Từ năm 2013, tỷ lệ nữ giới học đại học ở Hàn Quốc đã vượt qua nam. Ngày nay, gần 3/4 phụ nữ đăng ký học đại học, so với mức dưới 2/3 ở nam giới. Trước đây, phụ nữ thường được cho là nhóm rời bỏ lực lượng lao động khi kết hôn hoặc làm mẹ. Nhưng giờ đây, họ lại là đối thủ cạnh tranh của đàn ông trong thị trường lao động. Điều này đã khiến một số đàn ông tỏ ra bất mãn. Họ sẵn sàng gọi những phụ nữ có trình độ đại học là "kimchinyeo" hoặc "kimchee women", ám chỉ người ích kỷ, viển vông, ảo tưởng bản thân và chỉ biết lợi dụng bạn đời.

Vào những năm 2014-2015, một cộng đồng chống và kỳ thị phụ nữ có tên "Ilbe" đã phát triển mạnh. Theo cách giải thích của nhóm này, nữ giới đang đòi các quyền và đặc quyền bổ sung quá mức, trong khi đã hưởng lợi khi không phải tham gia quân sự. Họ cho rằng, toàn bộ nữ giới là nông cạn và "đào mỏ".

Phản bác lại, nhiều phụ nữ đã sử dụng thuật ngữ "hannamchung" hay "Korean male-bug" nhằm ám chỉ đàn ông Hàn Quốc xấu xí, phân biệt giới tính và bị ám ảnh bởi việc mua bán tình dục.

Tháng 12/2016, khi tỷ lệ sinh của Hàn Quốc dao động ở mức 1,2 ca sinh trên một người, chính phủ đã đưa ra "bản đồ sinh quốc gia", hiển thị số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thể hiện sự kỳ vọng sinh đẻ đối với các công dân nữ. Tuy nhiên, bản đồ này nhanh chóng vấp phải phản đối khi nữ giới cho rằng "bản thân không phải máy đẻ".

Một số nhà nữ quyền đã phản ứng bằng cách tẩy chay kỳ vọng sinh đẻ của nhà nước qua các diễn đàn mạng xã hội. Và chính các cộng đồng trực tuyến này đã khiến 4B nổi lên và trở thành một phong trào.

Dù được ủng hộ, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 4B có thể gây những tác động tiêu cực đến những phụ nữ nhất quyết từ chối hôn nhân. Cơ bản nhất là thiệt hại kinh tế.

Hàn Quốc có khoảng cách về giới tính về kinh tế rất lớn, khi nữ giới kiếm được ít hơn 31% so với nam. Đồng thời phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động.

Năm 2018, một bài đăng trên mạng xã hội được lan truyền, khuyến khích phụ nữ 4B nên tiết kiệm và kiếm nhiều tiền hơn cho tương lai. Đáp lại, những người này cam kết làm việc chăm chỉ hơn bởi hiểu rõ "sẽ không có đàn ông hay người chồng nào có thể lo cho tương lai của mình. Dù hiểu rõ, không ít chỉ em buộc phải làm 2-3 công việc cùng lúc để duy trì cuộc sống.

Minh Phương (Theo The Cut)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Những người từ chối đàn ông - Đời sống