Đến bây giờ, Sơn vẫn nhớ như in buổi sáng một ngày cuối năm 2019, mẹ gọi ra một góc dặn: "Con ở nhà, nếu bị bố đánh thì phải dắt em chạy, đợi mẹ đi làm có tiền sẽ về đón hai anh em đi cùng". Thằng bé cứ nghĩ mẹ đi vài ngày rồi về. Nhưng giờ đã gần ba năm.
Ở bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ không chỉ nhà Sơn có người nghiện ma túy nhưng chẳng đứa trẻ nào phải vừa đóng vai bố, mẹ chăm em nhỏ sớm như cậu bé này. Nhà vốn nghèo, trước khi mẹ em bỏ đi, bốn miệng ăn của gia đình trông chờ vào vài sào ruộng, cùng cây trái trồng trên nương. Bố Sơn cũng từng là người yêu vợ, thương con, chăm chỉ làm ăn, nhưng từ khi sa ngã vào ma túy ông biến thành một người khác. Không vòi được tiền mỗi lúc lên cơn nghiện, ông lôi ba mẹ con ra đánh.
Giàng A Sơn ngồi tại khuôn viên trường Tiểu học Lóng Luông, bật khóc khi nhắc về những trận đòn roi của bố, trưa 7/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Anh Giàng A Páo, 28 tuổi, chi hội trưởng hội phụ huynh học sinh tại điểm trường Lũng Xá - Tả Dê, nơi Sơn và cậu em trai Giàng A Nú đang học, kể: "Thằng bé còn nhỏ nhưng chăm sóc em trai chu đáo. Nhà nghèo, bố nghiện, hay đánh đập các con, trong bản ai cũng thương. Chúng tôi không ít lần vận động bố Sơn cai nghiện để chăm con, nhưng không thành".
Từ ngày mẹ đi, hai anh em Sơn lủi thủi nuôi nhau, thi thoảng dân bản, thầy cô thấy chúng khổ quá lại chắt chiu hỗ trợ thêm chút đồ ăn, quần áo.
Cô Khuất Thị Hoa, hiệu trưởng trường Tiểu học Lóng Luông cho biết, toàn trường có 877 học sinh, trong đó 14 em mồ côi bố mẹ, 34 em có hoàn cảnh éo le (bố/mẹ nghiện hút, đi tù, hoặc bỏ đi). "Nhưng gia cảnh của anh em Sơn đặc biệt nhất", cô Hoa nói.
Vợ không có nhà, bố Sơn như phát điên mỗi khi lên cơn nghiện vì không còn người cho tiền mua thuốc. Đồ đạc bị đập phá, ruộng nương bán sạch, hai đứa trẻ thành nơi để ông trút giận. Sơn nói không nhớ bao nhiêu lần bị bố đánh đến bầm dập cơ thể. Có lần chạy thoát, em không dám về nhà, lại dắt Nú đi lang thang trong bản, mệt đâu nghỉ đó, mong trời mau sáng để đến lớp. Cứ nhắc đến bố, cậu bé lại run lên bần bật, mắt đỏ hoe và bắt đầu khóc: "Em muốn ở với mẹ".
Thầy Lò Văn Ngoan động viên hai anh em Sơn và Nú tại phòng ở dành cho giáo viên của trường Lóng Luông, trưa 7/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Tháng 9/2021, thầy Lò Văn Ngoan, 29 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp của Sơn, xin nhà trường cho đón hai anh em về nuôi. Từ đó, Sơn và Nú cười nhiều hơn, thể trạng và lực học cũng cải thiện rõ rệt. Sau giờ học, hai em giúp thầy nấu cơm, dọn dẹp chỗ ở rồi lên lớp ôn bài. Thầy Ngoan nói, Sơn có lực học trung bình, nhưng bù lại em rất hiếu học, bài tập trên lớp luôn cố gắng hoàn thành.
Sợ phiền thầy cô, hai tháng sau anh em Sơn được người bác họ đón về nhà chăm sóc. Đầu năm nay, bố Sơn được đưa đi cai nghiện, ngôi nhà gỗ dựng tạm bỏ không nhưng hai anh em không dám quay về, vì ám ảnh những trận đòn roi.
Đi ở nhờ, Sơn vẫn giữ thói quen dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, dắt em trai đến trường, sau mới vào lớp học. Thi thoảng mẹ Sơn vẫn gọi về dặn dò các con cố gắng học tập, hứa sớm đón con về ở cùng. Nhưng chính chị cũng không biết lời hứa đó bao giờ mới thực hiện.
Hai anh em Giàng A Sơn và Giàng A Nù tại điểm trường Lũng Xá - Tà Dể, trưa 7/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Chiều tháng 3, tiếng trống tan trường vừa điểm, Giàng A Sơn chạy sang lớp 1B đón em trai rồi dắt nhau đi bộ về nhà người bác họ. Tới nhà, cậu bé dắt em đi tắm rồi xúc bát cơm nguội nấu từ sáng, rắc thêm vài hạt muối đưa cho em. "Cơm chỉ có thế này nhưng ngon hơn nhiều so ngày còn ở với bố", em thật thà nói.
Khi được hỏi về tương lai, Sơn bảo em sẽ cố học thật giỏi để làm gương cho em trai, nuôi ước mơ trở thành giáo viên như thầy Ngoan. "Em muốn được đi học, muốn ở với mẹ, muốn giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như các thầy cô và muốn được đi làm", cậu học sinh lớp 4 nghẹn ngào.
Quỳnh Nguyễn
Chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng - báo VnExpress mong muốn thay thế những phòng học tạm, thiếu an toàn cho thầy cô, học sinh ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Sự đóng góp của độc giả sẽ tiếp thêm động lực và tạo điều kiện cho thầy trò vùng cao có điều kiện dạy, học tốt hơn. Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×