Tây Sơn nằm tít rẻo cao biên giới, giáp nước bạn Lào được mệnh danh là "cổng trời" của huyện Kỳ Sơn, mây mù bao phủ bốn mùa, được ví như Sa Pa trong lòng xứ Nghệ.
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn đón chúng tôi lúc chiều muộn khi bậc thềm căn nhà sàn đơn sơ cạnh con dốc nhỏ đã sương giăng ngập lối, thi thoảng nghe văng vẳng đâu đó âm thanh tiếng gà rừng, ánh mắt trầm ngâm hoài niệm về một ngày chưa xa.
Đường về Tây Sơn xa tít tắp
"Tây Sơn là nơi tập trung 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, là mảnh đất "trù phú" những mạch nguồn văn hoá đặc sắc. Với người H’Mông, tiếng sáo, tiếng khèn không chỉ là âm thanh, mà còn là tâm tình ẩn giấu, là dòng chảy tinh hoa văn hóa nối tiếp qua biết bao thế hệ" - cô Huyền chia sẻ.
Ấy vậy mà điệu khèn vốn là hồn cốt của người H'Mông nơi mảnh đất Tây Sơn những năm trước đây tưởng như đã dần mai một và chìm vào quên lãng. Hạ tầng giao thông được kéo về tận bản, ti vi dễ tiếp cận, điện thoại thông minh nội dung hấp dẫn, tiếng khèn bất đắc dĩ phải lùi lại trong thứ tự ưu tiên của bà con dân bản.
"Nhiều người H’Mông không còn tự làm được khèn, chơi được khèn của dân tộc mình" - cô Huyền nhiều đêm trăn trở, nuối tiếc cho một loại hình nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa hết sức đặc biệt, nhân văn.
Điệu khèn tưởng đã lãng quên, giờ được thầy cô và học sinh Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn "hồi sinh"
Quyết tâm hồi sinh tiếng khèn H'Mông để các thế hệ học sinh Tây Sơn níu giữ, bảo tồn giá trị văn hoá của dân tộc mình, cô Huyền cùng thầy cô trong trường thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật dân gian dân tộc H’Mông.
"Những ngày đầu thực sự hết sức gian nan. Học sinh không mấy hào hứng tham gia câu lạc bộ, vì tiếng khèn đã thiếu vắng trong đời sống tâm hồn của các em rất lâu rồi, bởi chẳng mấy người lớn còn chơi nữa", cô Hiền nhớ lại.
Ngoài cô giáo Huyền làm chủ nhiệm câu lạc bộ, thầy Vi Văn Hùng (dân tộc Thái) - người nhiều năm tham gia Đội văn nghệ quần chúng huyện Kỳ Sơn cũng háo hức tham gia. Bác Vừ Lầu Phổng - một nghệ nhân thổi khèn nổi tiếng của huyện Kỳ Sơn khi được nhà trường mở lời cũng đã ngay lập tức gật đầu tham gia truyền dạy.
Những dè dặt ban đầu của học sinh Tây Sơn nhanh chóng qua đi. Khát vọng, tình yêu, và trách nhiệm lớn lao với văn hóa đã truyền qua biết bao thế hệ cha ông khiến câu lạc bộ ngày càng thu hút lượng thành viên đông đảo.
“Cảm giác rưng rưng, tự hào khi được chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Đợt rồi đội em vừa đạt giải nhì hội thi văn nghệ cấp huyện” - em Vừ Bá Lò, học sinh lớp 9A khoe.
Học sinh Tây Sơn háo hức chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào mình
Câu lạc bộ sau ngày khai sinh đã thổi làn gió lành mát rượi đến mọi ngõ ngách bản làng đồng bào H’Mông tại Tây Sơn. Tiếng khèn dập dìu, thổn thức xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, từ bếp lửa nhà sàn, nơi bậc thềm lớp học, đến sân thể thao nhà văn hoá.
Nhiều cụ ông tưởng đã "rửa tay gác khèn", nay thấy con cháu say sưa bên những âm thanh dìu dặt lay động lòng người cũng quyết lôi khèn tưởng đã "niêm phong" nơi gác bếp xuống chung vui. Hình ảnh các em học sinh nhỏ tuổi say sưa chơi khèn với mong mỏi níu giữ, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc mình khiến người lớn trong làng, những du khách từng đặt chân đến Tây Sơn không nén nổi khoé mắt cay cay.
Đêm biên giới Tây Sơn sương giăng ngập lối, mưa phủ trắng trời. Nghe văng vẳng đâu đó bên bếp lửa nhà sàn âm thanh dập dìu, réo rắt. Tiếng khèn đã hồi sinh nơi xứ tít tắp xa, như tiếng vọng về từ quá khứ...
Quang Minh - Anh Tuấn