Trên một con phố bình thường nằm ở Manhattan, New York, Anna Sacks sẵn sàng lao vào thùng rác và tìm kiếm những thứ còn có thể sử dụng được. Nhưng trước tiên, cô ấy lấy điện thoại ra và bật máy ảnh lên.
“Bạn thấy đấy, họ đã xé nát vỏ của thanh RXBars (một loại bánh có hàm lượng protein cao)”, cô nói trong một video đăng trên TikTok. Sacks với gang tay chống thủng lật qua các túi đựng rác, không chỉ đồ ăn, cô còn tìm được một số vật dụng vẫn còn sử dụng được như bảng trang điểm, tuýt kem đánh răng…
Từng là một nhân viên ngân hàng với mức lương rủng rỉnh, giờ đây Anna Sacks (30 tuổi) đã phải đi bới rác để kiếm ăn, lý do cô tiết lộ cũng khiến nhiều người ngả mũ.
Tài khoản Instagram của cô với gần 50 ngàn lượt theo dõi có rất nhiều hình ảnh thức ăn tươi ngon với đủ mọi sắc màu, hấp dẫn, được nhiều lượt like của cư dân mạng.
Bất ngờ là chúng đều là đồ bỏ đi, đã được đưa vào thùng rác đặt trên các con phố trung tâm quận Manhattan, New York.
"Tôi đi lục thùng rác suốt để kiếm đồ ăn. Mỗi tuần ba đến bốn lần, mỗi lần sơ sơ khoảng bốn tiếng thôi. Tôi thực sự rất chú tâm vào nó đấy nhé", cựu nhân viên ngân hàng chia sẻ.
Để bắt tay vào công việc nhặt rác của mình, Anna Sacks cũng có những quy tắc không bao giờ bỏ qua, đó là đeo găng tay chống thủng. Bên cạnh đó, một chiếc xe đẩy là thứ cô luôn mang đi cùng mình trong thời gian diễn ra "chuyến thu hoạch rác". Sau nhiều giờ hăng say bới rác, thành quả của Anna đem về nhà bao giờ cũng đầy ắp những món thực phẩm tươi ngon, vẫn còn nguyên bao đóng gói và chưa từng được sử dụng.
Cô cho biết sẽ sử dụng chúng dù rằng thời hạn dùng của nhiều món được khuyên rằng "tốt nhất trong khoảng một tháng". Việc này không chỉ giúp Anna tiết được một khoản tiền kha khá cho sinh hoạt phí hàng ngày mà còn giúp cô đưa thông điệp bản thân đi xa hơn nữa trong vấn đề "tiết kiệm".
Khi được phóng viên tờ Guardian hỏi "có ngại không khi gặp phải những ánh nhìn trên đường trong lúc bạn đang bới rác?", Anna đã khẳng khái trả lời: "Điều này chẳng khiến tôi khó chịu đâu. Tôi bới rác như một niềm vui vậy, không thể dừng khi niềm vui thì cứ bất tận".
"Thật là thô thiển khi đây là những gì họ muốn làm, với tư cách là một công ty, hơn là giúp đỡ mọi người”, Anna nói và cho rằng những sản phẩm đã được sản xuất thì buộc phải tiêu thụ. Thật kinh khủng khi cứ vứt bỏ chúng đi - nếu đó là điều công ty muốn làm, thay vì xử lý chúng theo hướng: giúp đỡ người khác.
Anna từng làm một bản kiến nghị trên trang change.org nhằm thu thập 500.000 chữ ký ủng hộ việc "yêu cầu công ty bán lẻ Mỹ CVS 'hãy quyên góp, đừng vứt đi', để giảm thiểu việc lãng phí thức ăn, thực phẩm.
Vào năm 2019, Today Show đã theo chân Sacks trong một “chuyến thu hoạch rác”, với 5 địa điểm khác nhau. Năm 2020, tờ New York Post cũng thực hiện một cuộc mục sở thị tương tự tại các bãi rác của Starbucks. Họ nhận thấy chuỗi cửa hàng này đã vứt bỏ quá nhiều rác nếu thức ăn không được bán hết trong một ngày.
Chỉ trong vòng một tuần từ khi câu chuyện được đăng tải, Starbucks đã phải tìm ra giải pháp để tiếp cận mục tiêu giảm thiểu rác thải vào cuối ngày của mình.
Câu chuyện nhặt rác của Anna đã phơi bày một sự thật tại một trong những địa điểm xa hoa nhất nước Mỹ, đó là “người ăn không hết người lần chẳng ra”.
Trong khi nhiều người còn không có đồ để ăn thì ở nơi khác, nó là trở thành thứ đồ bỏ đi, bị ném ra bãi rác. Phải chăng đã đến lúc, cần có một chế tài nào đó để giảm thiểu sự lãng phí này.