( PHUNUTODAY ) - Một vài trường hợp vi phạm giao thông, CSGT có thể sẽ không ra quyết định không xử phạt, người dân cần nắm được.
Căn cứ Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), CSGT sẽ không thực hiện việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong 05 trường hợp sau đây:
Trường hợp vi phạm giao thông chỉ bị nhắc nhở
1. Thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã liệt kê cụ thể các trường hợp vi phạm nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Hành vi vi phạm được thực hiện trong tình thế cấp thiết.
Trong đó, tình thế cấp thiết được hiểu là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của cá nhân, tổ chức khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
- Hành vi vi phạm được thực hiện do phòng vệ chính đáng.
Trong đó, phòng vệ chính đáng được hiểu là hành vi của một người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của bản thân, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác mà chống trả lại cần thiết người đang xâm phạm các lợi ích nói trên.
- Hành vi vi phạm được thực hiện do sự kiện bất ngờ.
Trong đó, sự kiện bất ngờ được hiểu là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc thấy trước hậu quả của hành vi mà mình gây ra.
- Hành vi vi phạm được thực hiện do sự kiện bất khả kháng.
Trong đó, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan người vi phạm không thể lường trước được và cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Người vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính.
Người không có năng lực trách nhiệm hành chính được định nghĩa tại khoản 15 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính là người vi phạm trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.
- Người vi phạm chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính, độ tuổi bị xử phạt hành chính được quy định như sau:
+ Người từ đủ 14 - dưới 16 tuổi: Chỉ phạt hành vi vi phạm hành chính do cố ý.
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính.
2. Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm
Một trong những nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính đó là:
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
Theo đó, đối tượng vi phạm hành chính là nội dung cần thiết để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm. Nếu không xác định được cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm, lực lượng CSGT sẽ không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Hết thời hiệu xử phạt hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt* Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 01 năm.
* Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
- Đối với vụ việc được chuyển hồ sơ để xử phạt hành chính:
+ Thông thường là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định hủy bỏ khởi tố, đình chỉ vụ án,…
+ Trường hợp cần xác minh thêm: Không quá 45 ngày.
- Đối với vụ việc khác:
+ Thời hạn là 07 ngày làm việc.
+ Vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt: Thời hạn là 10 ngày làm việc.
+ Vụ việc có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh tình tiết có liên quan:
4. Cá nhân vi phạm chết, mất tích; tổ chức vi phạm đã giải thể, phá sản
Theo điểm d khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi cá nhân vi phạm chết, mất tích, tổ chức vi phạm đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm.
Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi trong trường hợp này, đối tượng vi phạm đã không còn tồn tại, không có khả năng chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm.
5. Trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm
Căn cứ Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm, lực lượng CSGT sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm sẽ được CSGT thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
x Chia sẻTheo: giaitri.thoibaovhnt.vn copy linkLink bài gốcTác giả: Mộc